Chị Bích Nhựt chia sẻ, thông thường trong các bữa ăn của trẻ, các mẹ hay đặt tinh bột lên hàng đầu. Tuy nhiên khẩu vị của trẻ cũng như người lớn, ăn mãi cơm, cháo cũng dễ bị chán, thế nên mẹ trẻ Sài thành đã linh động thực đơn cho con với các món miến, bún, mì, đặc biệt món ăn mà chị nhận thấy bé thích thú nhất chính là món mì tươi 3 màu.
Chị Bích Nhựt và bé Dolphin (Ảnh: NVCC)
“Mình cho bé ăn dặm từ 5 tháng 21 ngày, từ đó đến nay mình không ngừng tìm tòi kinh nghiệm để chế biến thật nhiều món ăn nhất có thể cho con. Bé Dolphin rất thích món mì 3 màu của mẹ. Mỗi lần mình không làm nhiều, chỉ làm đủ cho hai lần ăn của con.
Nấu món này cho bé, mình cũng muốn tập cho con kỹ năng dùng đũa luôn. Nhìn thì có vẻ khá cầu kì, đủ màu sắc, nhưng món ăn này thực ra không phức tạp lắm. Mình thường tranh thủ lúc bé ngủ trưa để làm, nếu tính cả thời gian ủ bột thì khoảng 2 tiếng là hoàn thành món ăn này”, chị Bích Nhựt chia sẻ.
Món mì tươi 3 màu là một trong những món bé Dolphin thích ăn nhất (Ảnh: NVCC)
Công thức làm món mì tươi 3 màu đẹp như nhà hàng
Nguyên liệu:
– Bột mì đa dụng:150gr ( dùng làm mì và lớp áo phủ lên trên mì)
– 01 quả trứng gà
– Rau chùm ngây: để tạo màu xanh cho mì
– Thanh long ruột đỏ tạo màu hồng cho mì. Tuy nhiên, các mẹ có thể tuỳ theo ý thích những màu khác như: màu tím của bắp cải tím, màu cam của cà rốt… thì thay đổi nguyên liệu tuỳ thích.
Cách làm:
– Rau chùm ngây rửa sạch xay với 1 chút nước lọc lấy nước cốt ( khoảng 50ml)
– Trứng gà đập ra chén đánh tan
– Thanh long ruột đỏ lột bỏ vỏ dùng rây rây thanh long lấy nước cốt (50ml)
“Mình dùng thìa múc sữa Meji đong, ai không có dụng cụ đong thì cứ dùng muỗng ăn cơm hay bất kỳ dụng cụ khác cùng được, thành quả làm ra mì được nhiều hay ít tuỳ thuộc vào mọi người dùng nhiều hay ít nguyên liệu, nhớ đong theo tỷ lệ 1:2 hoặc 1:2,5 ( tức 1 nước cốt : 2 bột mì). Với các nguyên liệu trên mình làm ra được 3 vắt mì nhỏ đủ cho con ăn được 2 lần”, chị Bích Nhựt lưu ý.
Bên cạnh đó, bà mẹ một con cũng cho hay, tuỳ vào loại bột mì mà độ thấm hút khác nhau nên có khi sẽ chênh lệch một chút. Vì vậy các bạn khi cho các nguyên liệu vào rồi nhào bột trong quá trình nhào nếu thấy bột quá khô, thì thêm nước cốt từng chút một vào.
Cách nhào và ủ bột
Làm mì màu xanh từ rau chùm ngây
Dùng thìa meji đong 5 muỗng bột mì ( thìa bột gạt ngang như xúc sữa chứ không phải xúc đầy thìa) cho vào tô, dùng thìa này xúc 1 thìa trứng gà+1 thìa nước cốt chùm ngây sau đó cho hỗn hợp này ra một mặt phẳng và nhào bột, trong quá trình nhào nếu thấy bột vẫn còn khô thì tiếp tục múc 1 chút nước cốt rưới từ từ lên bột.
Tiếp tục nhào vài phút nếu bột vẫn khô, tiếp tục thêm từng chút nước màu vào. Nhào đến khi hỗn hợp tạo thành một khối kết dính ( không quá khô và cũng không quá nhão) . Nhào bột khoảng 5 phút thì dùng màng bọc thực phẩm bọc bột lại để bột nghỉ 60 phút (nếu không có thời gian thì để khoảng 30 phút, để bột nghỉ lâu thì sợi mì dai hơn). Tiếp tục làm tiếp đến màu tiếp theo.
Mì tươi vị truyền thống
Dùng 5 thìa bột mì + 02 thìa trứng và cách làm cũng như trên, trong quá trình nhào bột nếu bột quá khô thì cho thêm 1 chút nước lọc vào rồi nhào bột đến khi hỗn hợp trở thành một khối kết dính, dùng màng bọc thực phẩm bọc cục bột lại để cho bột nghỉ 60 phút. Tiếp đến làm mì tươi màu hồng.
Mì tươi vị thanh long ruột đỏ
Cũng các nguyên liệu như trên: 5 thìa bột mì + 01 thìa trứng + 01 thìa nước cốt thanh long ( nếu lúc này trứng còn ít thì thêm nước cốt thanh long vào, vì tuỳ quả trứng các bạn sử dụng to hay nhỏ mà cho ra hỗn hợp trứng nhiều hay ít, tiếp tục nhào bột như trên, nhào được 5 phút thì bọc cục bột lại và ủ 60 phút.
Cán bột và cắt bột
– Sau 60 phút lấy bột ra cán và cắt sợi, cục bột nào ủ trước thì lấy ra trước, lần lượt là: mì vị chùm ngây, mì vị truyền thống, mì vị thanh long ruột đỏ (màu hồng). Sau khi ủ bột lấy bột ra bột sẽ mềm hơn so với trước khi ủ.
– Cho một ít bột mì đa dụng lên mặt phẳng, đặt cục bột lên trên, thoa chút bột mì khô lên dụng cụ cán và bắt đầu cán bột, cán bột ra rồi gập đôi miếng bột lại, tiếp tục cán bột.cứ lặp đi lặp lại động tác này khoảng 5-7 lần. Mục đích để sợi mì đạt được độ dai nhất định ăn sẽ ngon hơn, sau đó cán mỏng bột ra, trong lúc cán bột dính vào dụng cụ cán thì tiếp tục thoa chút bột khô lên dụng cụ hoặc mặt phẳng. Bột dai nên khi cán sẽ không lo bị rách bột.
– Cắt bột thành những miếng nhỏ khoảng 5-7cm, sau đó cán từng miếng bột ấy thật mỏng.
– Đặt miếng bột đã cán mỏng lên trên mặt phẳng, thoa nhiều bột mì khô lên trên mặt miếng bột, mục đích lúc cắt sợi mì sẽ không bị dính vào nhau, xác định 1/3 miếng bột gập bột lại, thêm nhiều bột khô lên trên mặt rồi gập 1/3 còn lại của miếng bột rồi cắt sợi nhỏ. Gạt lớp sợi mì ở trên ra túm một đầu, giũ cho sợi mì rơi ra và bột dư sẽ rớt xuống, làm tương tự với các phần bột còn lại.
– Cuộn mì thành từng cuộn cho vào túi zip hoặc hộp kín bảo quản trong ngăn mát được 2 ngày. Bảo quản trong ngăn đông thì để được 1 tháng ( trước khi dùng cho mì xuống ngăn mát để rã đông).
Văn Anh
Tham khảo thêm tại: https://emdep.vn/lam-me/cong-thuc-lam-mon-mi-tuoi-ba-mau-dep-nhu-nha-hang-cua-me-9x-con-chan-com-van-an-thun-thut-20190923172127643.htm?fbclid=IwAR0-a9GGtiLUx4RgE8cUX_In38EhM1r1YDQxd1bDRGQtwUC5QokpgROzwpY